Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Mức độ nợ xấu thực của ngân hàng Việt Nam

(Habubank-vietstock.vn) So với con số tỉ lệ nợ xấu chính thức của toàn hệ thống được công bố là 3,3%, Fitch Ratings cho rằng, mức độ nợ xấu thực sự có thể vượt 4 lần.

Mức độ nợ xấu mà các ngân hàng trong nước công bố vẫn chưa thật sự thuyết phục được các tổ chức quốc tế về độ chính xác.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày hôm qua dẫn nhận định của hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings tại báo cáo đưa ra hôm 7/3 cho biết, mức độ nợ xấu thực sự của các ngân hàng ở Việt Nam có thể vượt qua con số chính thức là 4 lần.

Trước đó, hồi tháng 11/2011, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại theo tính toán của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình là sẽ vào khoảng 3,8% trong tháng 12, cao hơn mức 3,3% của tháng trước đó.

Nghi ngại này của Fitch cảnh báo chất lượng tài sản tại các ngân hàng có thể trở nên xấu hơn và khả năng can thiệp của Chính phủ trong việc thu hồi các khoản nợ xấu là không thực sự rõ ràng.

Ngoài ra, phía các chuyên gia cũng cảnh báo, rằng nợ xấu chính là nguy cơ lớn nhất đối với hệ thống tín dụng nhưng sẽ được cải thiện nếu các ngân hàng sẵn sàng chấp nhận việc tiếp nhận nguồn vốn ngoại.

 Nợ xấu của một số các ngân hàng trong 2 năm 2010 và 2011 (ảnh: SGTT).

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 6/3, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, theo đánh giá của cơ quan này, hiện cả nước có 9  tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, chiếm chưa đến 10% trên toàn hệ thống ngân hàng. Tại thời điểm Thống đốc phát ngôn, thị phần của các ngân hàng này chỉ chiếm khoảng 6%.

Các TCTD trong diện tái cơ cấu của NHNN sẽ được giám sát chặt chẽ và việc các cổ đông mới muốn tham gia vào những TCTD này cũng phải thông qua sự xem xét của NHNN. Nếu cổ đông mới không bổ sung thêm nguồn vốn thiếu hụt, không giúp tăng năng lực quản trị, cải thiện tính an toàn của các ngân hàng này thì NHNN sẽ không chấp nhận việc mua bán, sáp nhập đó.

Tăng trưởng GDP cả năm vẫn có thể đạt 6%

Dự kiến trong năm 2012 này, với chính sách thắt chặt của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ bị hạn chế còn 15% từ mức dưới 20% trong năm 2011 và 23% trong năm 2010. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách cũng đã tăng tỷ lệ tái cấp vốn lên 15% từ mức 9% hồi đầu năm 2011 trước khi giảm đến 14% hôm 12/3 vừa rồi.

Việc hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng, theo như đánh giá của ông Kim Eng Tan, giám đốc cao cấp tại S&P chi nhánh Singapore, là đã giúp giữ cho kỳ vọng lạm phát trở nên thấp hơn, khôi phục niềm tin nhà đầu tư và ổn định giá trị tiền đồng. Và, "nếu chính sách thắt chặt vẫn còn được tiếp tục áp dụng trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng hợp lý, các dữ liệu về tín dụng được cải thiện thì triển vọng ngành ngân hàng Việt Nam có thể sẽ được cải thiện".

Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam cả quý I chỉ đạt 4% so cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất kể từ 2009. Và theo ước tính của các nhà kinh tế trong một khảo sát của Bloomberg, thì tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm nay vẫn có thể đạt 6% và 6,6% trong năm 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét